<bgsound src="/Bai Binh Huyen Hoan Nan Ca.mp3"/> Le Dinh











Đồng tác giả:



BÌNH HUYÊN

Paris, France

















Paris, Quận 14, một chiều Chủ Nhật giữa mùa Xuân có nắng vàng ấm áp bắt đầu mang lại cho người ta cảm giác nồng nàn của mùa Hè đang tới,…





(Từ tráisang phải): Bà Bs Phan Khắc Tường, Thùy-Huyên, Ông Bà Đỗ Bình



Trong Hội Trường FIAP, phòng Lisbonne, bên cạnh các hội viên trong 3 tổ chức : Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Tự Do Tại Pháp, Văn Phòng Liên Lạc các Hội Đoàn Người Việt Tự Do Tại Pháp, và Câu Lạc Bộ Văn Hoá Paris, quan khách đủ tầng lớp xã hội và tuổi tác đứng ngồi trò chuyện râm ran, chia sẻ mối thân tình cũ mới, thật vui mắt, vui tai,…





(Từ tráisang phải): Ông Bà Gs Lê Mộng Nguyên và thi sĩ Phương-Du



Ngay cửa vào, trên chiếc bàn dài có xếp những chồng sách trang trọng mang nhan đề HOẠN-NẠN CA của tác giả PHẠM QUANG MINH. Quan khách chú ý đến tác phẩm sẽ được tác giả ký tặng, rồi tùy hỷ, quan khách để tiền vào thùng với hàng chữ "Ủng Hộ".







14 giờ 55, ông Nguyễn Đức Tăng lên máy vi âm giới thiệu chương trình sinh hoạt. Xong, ông mời cử toạ đứng lên chào cờ, cùng nhau hát bài quốc ca Việt Nam Cộng Hoà một cách tôn nghiêm, tiếp nối bằng một phút mặc niệm.





Ông Bà Bs Phạm Quang Minh



Văn thi sĩ Đỗ Bình lên chúc mừng khán giả, rồi đưa ra hai ý tưởng ngắn gọn : 34 năm mất nước quá ngắn đối với lịch sử, nhưng quá dài cho những khổ ải của người chạy giặc cộng sản; người Việt tỵ nạn chọn con đường Văn Hoá để xây dựng và duy trì những gì Việt cộng hủy hoại. Tiếp đó, ông giới thiệu tác giả cuốn HOẠN-NẠN CA. Đó là BS Phạm Quang Minh với một trời tâm tình lịch sử sắp chia sẻ với Quan khách.





BS Phan Khắc Tường



BS Phan Khắc Tường, Chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Tự Do Tại Pháp, nhắc lại nỗi đau thương của hoàn cảnh hàng triệu người bỏ nước ra đi, để lại sau lưng hàng trăm ngàn người mất mạng dưới biển, trong rừng, rồi ông nhấn mạnh : Việt cộng sẽ đưa Việt Nam vào gông cùm Tàu cộng, khiến cho tổ quốc ngàn năm văn hiến tan theo mây khói, mang lại cho ta niềm xót xa ray rứt muôn đời,…

GS Phạm Đình Liên giới thiệu thân thế BS Phạm Quang Minh : Sinh năm 1945, từng giảng dạy Toán học tại các đại học Sài Gòn, Thủ Đức, Nha Trang,… trước 1975, và tại các đại học Hoa Kỳ sau 1975, đã xuất bản về Khoa-Học bậc Trung-Học cũng như Đại Học. Trong khi đó, HOẠN-NẠN CA là tác phẩm đầu tiên bằng Thơ độc đáo của ông.

GS Lê Mộng Nguyên lên giới thiệu nội dung HOẠN-NẠN CA chứa đựng 6364 câu thơ lục-bát nung nấu Ý chí phấn đấu, Lòng Kiên Trì Quyết Tâm hồi hương dựng nước, Đức Tin mãnh liệt vào Thượng Đế, với mục đích tìm cho ra Nguyên Nhân và Lý Do khiến cho dân tộc ta mang hoạn nạn.





GS Phạm Đình Liên



Sau cùng, đến lượt tác giả HOẠN-NẠN CA lên ứng khẩu thuyết trình bằng giọng nói chân thật, giản dị, lưu loát, tinh vi, của một giáo sư chuyên nghiệp xuất thân từ trường Sư phạm và hành nghề đã lâu năm, mà không cần sách mang tài liệu hoặc giấy ghi bản thảo.

Trước tiên, ông Phạm Quang Minh nói lời cảm tạ chân thành đến Ban Tổ Chức mà đại diện là Bs Phan Khắc Tường, ông Nguyễn Phúc Tửng, Bs Nguyễn Bá Hậu, Gs Lê Mộng Nguyên, Gs Phạm Đình Liên, Bs Nguyễn Bá Linh, hoạ sĩ Nguyễn Đức Tăng, và nhà thơ Đỗ Bình, rồi đến toàn thể quan khách tham dự ủng hộ về tinh thần cũng như vật chất. HOẠN-NẠN CA ra đời vào cuối năm 2006, sau khoảng thời gian chuẩn bị thật lâu dài với sự thận trọng tối đa. Nội dung HOẠN-NẠN CA được viết ra một cách trung thực để lưu truyền lại cho các thế hệ mai sau một số điểm : Chính nghiã và Nhân sinh quan Quốc Gia; Lòng Yêu chuộng Tự Do, Thanh Bình, Độc Lập Tự Quyết và Thực Sự; Ý chí Bảo Vệ Toàn Vẹn Lãnh Thổ Việt Nam. Đó là Lòng Yêu Nước bàng bạc tự nhiên. Nhân sinh quan sống của người Việt Nam vốn đặt lên sự Tin Tưởng vào THƯỢNG ĐẾ. Mỗi Hành Động được tạo ra vì Lòng Thương Người. Về Nhân Sinh Quan Sống, ta cần nhấn mạnh vào một điểm quan trọng. Đó là việc uốn nắn, sắp xếp Văn Chương mang đến ảnh hưởng cho Lời Nói, Vận Mạng cá nhân cũng như Tổ Quốc. Triết lý muôn thuở của người Việt qua câu nói truyền khẩu "Hết cơn bĩ cực đến hồi thái lai" đến từ sự kiện "Thượng Đế với quyền uy tuyệt đối đã xây dựng mọi sự trên cõi đời này. Con người có bổn phận tự dọn mình, sửa mình. Những kẻ vô thần đều vô lương và bạo tàn". Thượng Đế có "cho thanh cao" Con Người "mới được mười phần thanh cao". Khi gặp hoạn nạn, ta phải cố vượt qua. Trời luôn luôn có mắt. Khi chúng ta đấu tranh là Trời đều biết. Trong thiên nhiên, ai cũng đều biết sự kiện "Trăng kia khuyết đó sẽ tròn". Giai đoạn thử thách là để ta dọn mình, và phải dọn mình cho thanh cao và xứng đáng. HOẠN-NẠN CA có ngầm chứa tư tưởng "Tương lai tươi sáng sẽ đến với chúng ta". Bià sách màu hồng phản ảnh Hy vọng cho Tương lai tươi sáng ngày mai.

Cái gì thúc đẩy tác giả viết ra 6364 câu thơ ? HOẠN-NẠN CA đương đầu với cuộc chiến chứa đầy tang thương do khí giới tân tiến và lòng người tham lam tàn ác gây ra, nhất là khi cuộc chiến kết thúc đau thương bi đát cho nhân dân miền Nam nói riêng va toàn cõi Việt Nam nói chung, vào ngày 30 tháng 4 năm 1975.





BS Phạm Quang Minh



Từ Bắc xuống Nam, biết bao gia đình tan nát. HOẠN-NẠN CA còn đóng vai trò giúp ta nhắn nhủ nhau,… Khi BS Phạm Quang Minh đưa các sinh viên đi ủy lạo chiến sĩ, họ đã thấy rằng Việt Nam vào hậu bán thế kỷ 20 đã thâu gồm các sắc da khác nhau. HOẠN-NẠN CA còn chứa đựng tinh thần chiến đấu hào hùng. Năm 1954, khi Việt Nam bị chia đôi, chúng ta ở lại nước vì vẫn còn nhiều vùng Quốc Gia để chạy tới chạy lui. Đến năm 1975, ta phải ra đi, vì toàn quốc bị nhuộm đỏ, không còn chỗ nào để chạy đến cả.

Qua HOẠN-NẠN CA, ta thấy rõ Đàn Bà, Mẹ Việt Nam, là biểu tượng rất khó kiếm ở nơi khác. HOẠN-NẠN CA ghi lại một số hình ảnh đồi trụy : Đàn Bà bán mình nuôi con. Nhưng sự kiện này chứng tỏ Hy Sinh cao quý trong thời buổi chiến tranh điêu tàn. Trong HOẠN-NẠN CA, độc giả sẽ thấy bát ngát hoa cỏ lạ lẫn với gai góc. Người Việt trong và ngoài nước có trách nhiệm xây dựng tổ quốc. Ta không nên sờn lòng. Thượng Đế sẽ giải quyết và cho ta một tương lai sáng lạn.

HOẠN-NẠN CA tượng trưng nhu cầu của nền Văn Học Việt Nam trong hậu bán Thế Kỷ 20, mang lại cho ta Hy Vọng lẫn với Đấu Tranh.

Cái gì thúc đẩy BS Phạm Quang Minh viết nên HOẠN-NẠN CA ? Điều này đến từ một vài kinh nghiệm của ông khiến ông muốn chia sẻ với đồng hương Đức Tin Thượng Đế. Năm 1965, ông ra trường và gia đình ông xin được học bổng cho ông đi Pháp học. Trước khi xuất ngoại, ông cùng gia đình viếng thăm Lăng Lê Văn Duyệt. Ở đó, họ xin quẻ và đã được người đoán quẻ cho thấy ông không thể đi Pháp ! Một Thông Cáo của Chính phủ cho biết "Việt Nam mới đoạn giao với Pháp". Vì vậy, việc du học của BS Phạm Quang Minh bị đình lại. Tuy nhiên, Thượng Đế sẽ cho ông một địp may khác. Số là, khi ông về Huế thăm bà ngoại nhân Lễ Vu Lan, bà cụ xin cho ông một quẻ bói cho thấy ông sẽ được đi Pháp trong tương lai, không phải đi một mình mà cùng với hàng trăm ngàn người! Quả nhiên, mười năm sau, vào ngày 30 tháng Tư năm 1975, ông đã lên tầu chạy khỏi nước và được Mỹ đón cùng với hàng trăm ngàn Boat People khác ! Việc này, năm 1965, cha và cậu của ông không thễ biết được. Ngay cả khi xem quẻ bói nhân dịp Lễ Vu Lan, không ai đoán ra. Mọi sự đã được Thượng Đế sắp xếp trước. Do đó, Đức Tin Thượng Đế rất quan trọng.

BS Phạm Quang Minh kết thúc cuộc nói chuyện bằng lời kết luận : "HOẠN-NẠN CA là tâm tình của tất cả chúng ta". Ông rất mong đợi mọi người ủng hộ cùng phổ biến rộng rãi tác phẩm HOẠN-NẠN CA, vì, theo ông:



16 giờ 30. Hội Trường cùng nhau nghỉ giải lao. Các cuộc trao đổi lại tiếp tục như trước khi cuộc Sinh Hoạt bắt đầu, nhưng trong không khí cởi mở, hào hứng, thân mật hơn.

17 giờ. Đoàn văn nghệ Âu-Á mang tên F.A.V.I.C. lên trình bày bản dân ca "Trống cơm" vô cùng vui nhộn.







Tiếng vỗ tay rào rạt để khen thưởng ban hợp ca, rồi đón chào nghệ sĩ Ngọc Điệp (tây-ban-cầm) và Thùy Trang (đàn tranh) trình bày bản "Mưa Trên Phố Huế" của Minh Kỳ.







Hình trên: Ngọc Điệp - Thùy Trang / Hình dưới: Thúy Hằng



Nữ nghệ sĩ Thúy Hằng tiếp nối bằng giọng diễn ngâm truyền cảm bản "Thương", thơ Phạm Quang Minh do BS Phạm Đình Liên phổ nhạc, Thùy Trang đàn tranh. Sau đó là Ngọc Châu lên hát với Quách Vĩnh Thiện đàn. Có Gs Phạm Đình Liên đứng bên.





Hình trên: Ngọc Châu / Hình dưới: Kim Thu



Kim Thu ca bản "Xa Rời Quê Hương" thơ Phạm Quang Minh do Lê Mộng Nguyên phổ nhạc. Sau đó, hoạ sĩ Nguyễn Đức Tăng lên diễn ngâm bài này.





Hình trên: Nguyễn Đức Tăng / Hình dưới: Minh Mạch



Minh Mạch lên vừa đàn vừa ca bản "Ngày Về Xót Xa" của Tô Hải một cách linh động với nhạc nền cùng lời ca tiếng cười trong máy do Quách Vĩnh Thiện điều khiển.

Nhạc sĩ Nguyễn Đình Tuấn và con gái Tuấn Phương lên đàn ca bản "Ký Ức".





Hình trên: Nguyễn Đình Tuấn - Tuấn Phương
Hình dưới: Phạm Đăng Thiện - Đỗ Bình



Nhà thơ nhạc sĩ Đỗ Bình lên đàn cho ca sĩ Phạm Đăng Thiện hát bài "Cỏ Dại". Minh Nhật ca bản "Tiếc Thu" của Hoàng Dương theo tiếng đàn của Quách Vĩnh Thiện.

Chương trình văn nghệ chấm dứt với hai nhạc bản nổi tiếng, một của Lê Mộng Nguyên "Trăng Mờ Bên Suối" do Kim Thu ca, Thúy Hằng diễn ngâm, một nhan đề "Hướng Dương Lòng Nguyện" thơ Đinh Hùng do Nguyễn Phúc Bửu Phôi phổ nhạc và trình bày,…

Chiều tà Chủ Nhật Paris bên ngoài Hội Trường FIAP vẫn trong ánh nắng Xuân êm dịu, nhè nhẹ, hoà nhịp với lòng người chứa chan tình cảm sau những bài nói chuyện đầy ý nghĩa dẫn đến nguồn cảm hứng từ từ dâng cao, đượm nhiều hứa hẹn do tác phẩm HOẠN-NẠN CA mang lại cho người nghe, cũng như những ai đang cầm trong tay cuốn sách nặng chĩu giá trị cả về vật chất lẫn tinh thần.



BÌNH HUYÊN

(Paris, Xuân 2009)



Free Web Template Provided by A Free Web Template.com